Trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhà ở, biệt thự hay các công trình lớn, có rất nhiều phong cách kiến trúc đa dạng và phong phú khác nhau. Mỗi phong cách đều có những đặc trưng nổi bật riêng mà khi được ứng dụng vào thiết kế, xây dựng sẽ mang đến những vẻ đẹp ấn tượng nhất cho các công trình. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu và phân biệt về 2 lối kiến trúc nổi tiếng là kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc cổ điển. Hãy cùng tham khảo nhé!
Kiến trúc tân cổ điển
Kiến trúc phong cách tân cổ điển là gì?
Tân cổ điển là một trong những phong cách kiến trúc nổi tiếng lâu đời, có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại, sau đó ngày càng phát triển và lan rộng ra khắp các nước Châu Âu.
Lối kiến trúc tân cổ điển là sự kết hợp và giao thoa giữa 2 lối kiến trúc cổ điển và kiến trúc hiện đại. Vẻ đẹp của lối kiến trúc này là sự tổng hòa giữa nét cổ kính, nguy nga, lộng lẫy của loại hình cổ điển xưa và nét tinh tế, sang trọng của kiến trúc hiện đại ngày nay.
Loại hình kiến trúc này không quá chú trọng vào từng chi tiết, hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tỉ mỉ như phong cách cổ điển nhưng vẫn toát lên nét cổ kính, quý tộc đồng thời sự đơn giản, nhẹ nhàng đã làm nổi bật lên vẻ tinh tế và sang trọng của lối kiến trúc độc đáo này.
Trong những năm gần đây, phong cách nội thất tân cổ điển dần trở nên quen thuộc và được phổ biến khá rộng rãi ở Việt Nam, được ứng dụng rất nhiều trong việc thiết kế cũng như xây dựng không chỉ những công trình lớn mà còn cả những ngôi biệt thự, nhà ở của các gia đình.
Đặc điểm của kiến trúc tân cổ điển
Có thể nói, các công trình mang phong cách tân cổ điển ngày càng được nhiều người biết đến và được rất nhiều chủ đầu tư cũng như các gia đình lựa chọn để ứng dụng thiết kế cho các công trình hay biệt thự nhà riêng. Vậy phong cách kiến trúc này có những đặc điểm nổi bật gì mà khiến nhiều người yêu thích đến thế?
Họa tiết, hoa văn
Những phong cách kiến trúc thời xưa luôn có sự xuất hiện của những họa tiết, hoa văn khắc họa trên những bức tường. Hệ thống cột trụ ở các công trình lớn thuộc sở hữu của giới quý tộc, hoàng gia và phong cách tân cổ điển cũng không phải là ngoại lệ.
Nét đẹp nổi bật của lối kiến trúc này là hình ảnh những họa tiết, hoa văn nhẹ nhàng, đơn giản mà tinh tế được khắc họa một cách mềm mại, khéo léo. Những công trình được thiết kế theo phong cách này thường có những họa tiết, hoa văn nhấn nhá một cách hợp lý, không nhiều và dày đặc phủ kín tường hay hệ thống các cột trụ nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp sang trọng và quý phái.
Ánh sáng và màu sắc
Trong kiến trúc tân cổ điển, 2 yếu tố ánh sáng và màu sắc luôn được phối kết hợp một cách hài hòa và hợp lý.
Những gam màu đặc trưng thường được sử dụng khi thiết kế theo lối tân cổ điển đó là những gam màu nhẹ nhàng và trang nhã như: màu trắng sữa, màu vàng nhạt, màu be, màu xanh nhạt,.. Những màu sắc này kết hợp một cách hài hòa với ánh sáng có màu sắc dịu nhẹ tạo nên một không gian sang trọng, tinh tế và vô cùng thu hút.
Vật liệu
Trong thiết kế và xây dựng, vật liệu là một yếu tố vô cùng quan trọng, cần lựa chọn một cách hợp lý để vừa đảm bảo yếu tố an toàn vừa đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ cao.
Thông thường, khi xây dựng những công trình kiến trúc tân cổ điển, những vật liệu được sử dụng nhiều đó là: da, gỗ tự nhiên hay các loại đá, đá hoa cương,…Những vật liệu này góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp độc đáo của loại hình tân cổ điển.
Kiến trúc cổ điển
Kiến trúc cổ điển là gì?
Có thể nói, cổ điển là một trong những phong cách kiến trúc lâu đời và nổi tiếng nhất mà khi nhắc đến, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của những công trình đồ sộ và nguy nga ở các nước phương Tây như: cung điện, lâu đài, nhà thờ, nhà hát,…Vậy kiến trúc kiểu cổ điển là gì?
Cổ điển là lối kiến trúc có nguồn gốc từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Phong cách kiến trúc này được lấy cảm hứng từ hình ảnh của các cung điện, lâu đài thời xưa. Lối kiến trúc này có sự khắt khe và tuân thủ một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc đồng thời yêu cầu tỉ mỉ đến từng chi tiết khi thiết kế. Bởi vậy nên những công trình mang trong mình phong cách cổ điển thường toát lên vẻ đẹp vô cùng hoàn hảo, lôi cuốn và thu hút người nhìn.
Cho đến nay, cổ điển vẫn luôn là phong cách được ứng dụng rất nhiều trong việc thiết kế và xây dựng các công trình lớn. Tại Việt Nam, lối kiến trúc này trở nên rất phổ biến và được ứng dụng để thiết kế các công trình, nhà ở hay biệt thự.
Đặc điểm của kiến trúc cổ điển
Không phải ngẫu nhiên mà cổ điển lại là một trong những phong cách kiến trúc nổi tiếng và được yêu thích nhất mọi thời đại. Được nhắc đến với tên gọi đầy ưu ái là “ Lối kiến trúc mang vẻ đẹp vượt thời gian”, phong cách này có rất nhiều đặc điểm nổi bật thu hút sự chú ý và quan tâm của những ai yêu thích kiến trúc nói riêng và của tất cả mọi người nói chung.
Tính đối xứng và cân bằng
Khi nhắc đến kiến trúc cổ điển, không thể không nhắc đến tính đối xứng và cân bằng đặc trưng trong thiết kế.
Tính đối xứng và cân bằng là yếu tố rất được đề cao trong phong cách cổ điển. Điều này được thể hiện rõ nét khi thiết kế hệ thống cột trụ, các bức tường hay ngay cả trong việc bày trí nội thất của các công trình cổ điển. Thông thường, khi thiết kế, sẽ đặt một trục chính giữa trung tâm, theo đó sẽ bố trí các cột trụ đối xứng và cân bằng 2 bên.
Với nguyên tắc này, những công trình có phong cách cổ điển luôn toát lên vẻ đẹp hoàn hảo và ấn tượng, thu hút người nhìn.
Họa tiết hoa văn
Một trong những yếu tố đặc trưng nổi bật và giúp ta phân biệt những công trình cổ điển và tân cổ điển đó là họa tiết hoa văn.
Nếu như phong cách kiến trúc tân cổ điển luôn khắc họa những họa tiết hoa văn nhẹ nhàng, đơn giản thì với phong cách cổ điển, họa tiết hoa văn luôn có sự cầu kỳ, chi tiết và tỉ mỉ đến từng đường nét. Đây cũng là yếu tố mang đến cho lối kiến trúc cổ điển một nét đẹp đặc trưng không thể trộn lẫn – nét đẹp của sự xa hoa, lộng lẫy và hoàn mỹ.
Với những công trình cổ điển, họa tiết, hoa văn thường được khắc họa ở những điểm giao nhau giữa hệ thống cột trụ với tường, giữa tường với trần nhà, ở các chân cột trụ,… để tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho công trình.
Màu sắc và ánh sáng
Màu sắc và ánh sáng cũng là những yếu tố góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp cổ kính, lộng lẫy và xa hoa của kiến trúc cổ điển.
Những công trình được thiết kế theo phong cách kiểu cổ điển thường ưa chuộng những gam màu như màu nâu trầm ấm, nâu nhạt, vàng nhạt, trắng sữa,… Sự phối kết hợp hài hòa giữa những gam màu chủ đạo và màu của đồ nội thất sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp mang chút cổ kính, hoài niệm mà xa hoa, lộng lẫy của lối kiến trúc này.
Bởi phong cách cổ điển thường có vẻ đẹp mang đầy tính nghệ thuật nên việc sử dụng những chiếc đèn chùm, đèn bàn tinh xảo để chiếu sáng là sự lựa chọn phù hợp tuy nhiên cũng cần thiết kế sao cho các không gian đón được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất.
Nội thất và vật liệu
Trong thiết kế và xây dựng, việc lựa chọn nội thất cho các không gian bên trong các công trình luôn cần phải dựa vào phong cách kiến trúc chủ đạo để tạo nên được vẻ đẹp thống nhất hài hòa.
Với phong cách cổ điển, đồ nội thất thường có những họa tiết trang trí, thiết kế tỉ mỉ và cầu kỳ, mang vẻ đẹp xa hoa, quý tộc và có hơi hướng hoài niệm xưa cũ.
Vật liệu thường được sử dụng là đá hoa cương sáng bóng, pha lê lấp lánh, kim loại, gỗ tự nhiên,… Tất cả khi được thiết kế và kết hợp hài hòa sẽ làm tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy của kiến trúc cổ điển.
Có thể nói, mỗi phong cách kiến trúc đều mang những đặc điểm nổi bật và vẻ đẹp đặc trưng riêng mà khi lựa chọn được phong cách phù hợp tạo nên được một công trình hoàn hảo mang vẻ đẹp ấn tượng và thu hút.
Mong rằng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về phong cách kiến trúc tân cổ điển và phong cách cổ điển, từ đó lựa chọn được phong cách phù hợp để thiết kế cho công trình của mình.